Những đền đài, miếu mạo đã trở thành dấu tích thời vàng son của nền văn minh hay vương triều Thái Lan, Lào, Myanmar.
1. Cố đô Ayutthaya, Thái Lan
Nằm cách thủ đô Bangkok về phía bắc khoảng 80 km, Ayuthaya được bao quanh bởi 3 dòng sông thơ mộng. Thấp thoáng trong khối kiến trúc hiện đại của những khách sạn, tòa nhà phủ ngoài bằng kính là khu đền, tháp cổ thâm trầm với tường gạch nung đỏ, tróc vữa dãi dầu trong mưa nắng.
Ngôi chùa Phara Mong khon Bo phit tọa lạc trong một nơi yên tĩnh, tôn nghiêm ở cố đô Ayutthaya. Ảnh: Anh Phương.
Cố đô Ayutthaya được thành lập năm 1351 dưới thời vua U Thong, sau này là vua Ramathibodi I. Thành phố phát triển nhanh chóng nhờ vị trí nằm trên đường giao thương giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Năm 1767, Ayuthaya bị người Myanmar xâm lược và tàn phá. Khi giành lại được độc lập, nhà vua đã dời kinh đô về Bangkok. Từ đó, Ayuthaya dần trở nên hoang phế.
Ngôi chùa Phara Mong khon Bo phit với kiến trúc đặc trưng của Thái, mái chùa hình tháp, uốn lượn trong nắng vàng óng. Chùa có một bức tượng Phật lớn nhất Thái Lan, cao hơn 12 m, bề ngang hơn 9 m. Được xây dựng trong giai đoạn 1448-1602, chùa tọa lạc trong một không gian yên tĩnh, là dấu tích của một thời vàng son dưới thời trị vì của vua U Thong.
Cách ngôi chùa không xa là khu đền tháp hoang phế, không gian cổ kính ngự trị khắp nơi. Quần thể đền tháp phần lớn bị tróc hết, vữa lộ ra màu gạch nung đỏ rực trong nắng. Nhìn từ trên cao, những ngọn tháp cao ngút trời, nằm im lìm với thời gian, tạo nên nét duyên dáng cho thành phố nhỏ này.
2. Bagan, một thời vàng son của Phật giáo Myanmar
Bagan thuộc miền Trung của Myanmar, có diện tích hơn 41 km2, chạy dọc theo dòng sông Ayeyarwady. Đây là khu vực tập trung rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo nguy nga, đồ sộ. Bagan có tới hàng nghìn ngôi chùa tháp và phần lớn ngày nay, các công trình kiến trúc ấy đã bị hủy hoại, hiện chỉ còn lại khoảng vài trăm ngôi chùa, tháp và các phế tích. Đây là dấu tích minh chứng cho một thời vàng son của Phật giáo tại đất nước này.
Theo lịch sử, vào thế kỷ thứ 12 và 13, Bagan trở thành trung tâm nghiên cứu Phật học mang tầm cỡ quốc tế. Với vai trò là kinh đô của vương triều Myanmar, rất nhiều chùa tháp nguy nga, tráng lệ đã được xây dựng. Chỉ trong vòng hơn hai thế kỷ, tại thủ đô Bagan và các vùng phụ cận đã mọc lên hàng nghìn chùa tháp, đền đài đồ sộ.
Đến năm 1287, vương quốc này bị quân Mông Cổ xâm chiếm, Bagan cũng bị chiếm đóng. Rất nhiều ngôi chùa đã bị phá hoại, quân xâm lược và kẻ cướp bóc đã đoạt đi nhiều thứ có giá trị.
Một góc của ngôi chùa tuyệt đẹp ở Bagan. Ảnh: Anh Phương.
Tuy nhiên, ở đây vẫn còn tồn tại những ngôi chùa đẹp với kiệt tác kiến trúc tinh xảo, bền vững. Đây là niềm tự hào của người dân Myanmar về thời vàng son của Phật giáo tại đất nước này.
3. Các ngôi chùa ở cố đô Luang Prabang, Lào
Cố đô Luang Prabang nổi tiếng với những ngôi chùa cổ tuyệt đẹp. Vat Xieng Thong – “chùa của thành phố vàng”, là ngôi chùa quan trọng nhất ở Luang Prabang. Chùa được xây dựng dưới thời vua Sayasetthathirat, hoàn thành vào năm 1560. Với những hoa văn được chạm trổ tinh xảo và tỉ mỉ trên toàn bộ mặt ngoài điện chính và nhà thờ nhỏ, nơi đây chính là dấu vết của một thời vàng son.
Ngôi chùa nổi tiếng Vat Xieng Thong ở cố đô Luang Prabang. Ảnh: Fabien
Khuôn viên Vat Xieng Thong rộng, gồm điện chính, một nhà thờ nhỏ, tháp treo trống và một thư viện lưu giữ các hiện vật. Ngôi chùa có kiến trúc truyền thống với mái ba lớp, hai bên mái áp vào nhau cong vút ở phía trên, trong nhà thờ nhỏ bên cạnh điện chính chạm nhiều tượng Phật trên vách, ở giữa đặt ba bức tượng Phật ở ba tư thế ngồi, đứng và nằm. Còn trong thư viện, nổi bật nhất là cỗ xe sắc vàng, đầu xe có bảy đầu rồng Naga.
Ngoài ra, ở cố đô Luang Prabang cũng còn một ngôi chùa lớn tọa lạc trên đường Sisavang Vong, điện thờ ở giữa với nhiều bức tượng mạ vàng. Ngôi chùa này đặc biệt được bảo tồn vì từng là chùa của Hoàng gia và nơi ở của các chức sắc Phật giáo Lào cao nhất.
Vnexpress