Hầu hết các chị em khi phát hiện chồng có con riêng đều rơi vào trạng thái đau khổ, dằn vặt, uất ức… Nhiều khi các chị còn tự hành hạ bản thân hoặc trả thù chồng bằng cách: Tự tử cùng các con, gây thương tích cho chồng, cho tình địch…
Các cách làm trên đây đều là tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật. Lúc này các chị phải xác định được còn tình cảm với chồng hay không, nếu chồng hối hận thì các chị có thể tha thứ không, có quên được quá khứ của chồng không, con cái của mình liệu có hạnh phúc khi không có bố? Nếu chồng tỏ ra hối hận, cách để giải quyết tốt nhất là giữ gia đình, giữ bố cho các con của mình, chứng tỏ cho người kia biết rằng đó là sai lầm nhất thời của chồng và gia đình mình là không thể thay thế.
Để quên đi nỗi đau của mình và tìm cách để chồng quay trở về với gia đình các chị có thể tập trung vào công việc, con cái, dành thời gian cho một số thú vui cá nhân của mình như: đọc sách, du lịch, spa, làm đẹp… Các chị có thể làm mới bản thân bằng cách thay đổi kiểu tóc, quần áo, giày dép, học trang điểm…
Với tư cách là luật sư, tôi hoàn toàn thông cảm và hiểu nỗi đau bị phản bội của các chị và có một số chia sẻ, tư vấn về pháp luật liên quan đến vụ việc với các chị như sau:
1. Đứa bé là con chung giữa chồng các chị và người nhân tình kia không có lỗi, bé xứng đáng được sinh ra và phát triển như bao đứa trẻ khác. Hãy để bà mẹ của bé quyết định sinh bé hay không. Nếu đúng đứa bé là con của người cha (để chắc chắn thì nên thử ADN), có thể làm khai sinh cho bé theo thủ tục: Đề nghị UBND xã phường công nhận quan hệ cha con. Trên cơ sở Quyết định của UBND xã, phường, cán bộ tư pháp sẽ bổ sung tên người cha trên giấy khai sinh. Như vậy, anh chị không cần làm thủ tục ly hôn, đứa bé đó vẫn được làm Giấy khai sinh có tên bố mẹ. Khi sinh em bé, bố bé có thể chuyển khoản để giao tiền cho mẹ nuôi bé hàng tháng. Nếu vì lý do nào đó, mẹ bé không nhận thì có thể gửi tiết kiệm, người thụ hưởng là bé. Khi bé đủ 18 tuổi thì bé có quyền quyết định về khoản tiền này. Các chị cũng có con cái nên mong các chị đối xử nhân từ với bé, có thể đón bé về chơi vào dịp cuối tuần cùng gia đình. Đương nhiên các chị cũng nên tỏ thái độ kiên quyết để chồng chị và mẹ đứa trẻ không còn quan hệ nào ngoài việc là chăm sóc, nuôi dưỡng bé. Với lòng bao dung, nhân từ chắc chắn chồng các chị sẽ rất nể phục, yêu quý các chị hơn và không bao giờ dám làm tổn thương các chị thêm lần nào nữa.
2. Các chị cũng có thể chuẩn bị về mặt tài chính để mình có thể tự lập, lo được cho con cái. Để ngăn chặn chồng có các hành vi tái diễn hoặc đem tài sản chung đi giải quyết công việc cá nhân các chị có thể chuyển toàn bộ tài sản chung của vợ chồng sang con cái hoặc yêu cầu chồng chuyển tài sản đó sang cho mình quản lý. Liên quan đến bất động sản các chị có thể tham khảo các thủ tục về phân chia tài sản chung của vợ chồng, xác nhận tài sản riêng hoặc làm thủ tục tặng cho con…
3. Ly hôn chỉ là quyết sách cuối cùng nếu các chị đã thực sự cố gắng mà không thể cứ vớt được cuộc hôn nhân của mình. Hai bên hãy làm thủ tục ly hôn trong hòa bình, dù sao hai người vẫn còn có những đứa con chung. Về cơ bản hồ sơ ly hôn gồm có: Đơn xin ly hôn theo mẫu, Đăng ký kết hôn, bản sao CMND, hộ khẩu của cả hai vợ chồng, giấy khai sinh của các con và các giấy tờ về tài sản khác… Nếu hai bên đồng ý ly hôn không có tranh chấp, có thể lựa chọn Tòa án nơi một trong hai người cư trú. Nếu có tranh chấp, đơn phương ly hôn, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn (người bị ly hôn) cư trú.